Văn bản nhật dụng:Là kiểu văn bản viết về những vấn đề bức thiết đối với đời sống hiện tại. Đó là những vấn đề gần gũi, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng như: môi trường, giáo dục, tệ nạn xã hội… Cần lưu ý rằng văn bản nhật dụng không phải là một thể loại. Để bài viết được sinh động, hấp dẫn, người viết có thể lựa chọn nhiều thể loại như: truyện, thư, kí…

Tác giả Lí Lan sinh ngày 16/7/1957 tại Bình Dương. Là nhà văn có nhiều sáng tác cho thiếu nhi. Trong đó, tập truyện thiếu nhi “Ngôi nhà trong cỏ” (1984) đã được giải thưởng Văn học thiếu nhi của hội nhà văn Việt Nam. Bà còn là dịch giả của bộ truyện Harry Potter – bộ truyện được trẻ em vô cùng say mê, thích thú. Như vậy, với tình yêu trẻ thơ cùng sự am hiểu của mình, Lí Lan hiểu rõ vai trò của giáo dục đối với thế hệ trẻ tương lai.
Vănbản “Cổng trường mở ra” được xếp vào kiểu văn bản nhật dụng vì đã đề cập đến một vấn đề thiết thực: vai trò to lớn của nhà trường và giáo dục. Bài viết dùng thể loại bút kí, với phương thức biểu cảm, qua lời tâm sự của người mẹ. Chính vì vậy, những vấn đề thời sự lại hiện lên một cách nhẹ nhàng, sinh động mà đầy lôi cuốn qua ngòi bút của Lí Lan.
Bố cục: Chia làm 2 phần
+ Phần1: Từ đầu đến “ngày đầu năm học”: Tâm trạng của hai mẹ con buổi tối trước ngày khai giảng.
+ Phần 2: Còn lại: Ấn tượng tuổi thơ và liên tưởng của mẹ.
Về nội dung: Văn bản đã thể hiện tấm lòng thương yêu, tình cảm sâu nặng của người mẹ đối với con. Qua đó, nhấn mạnh vai trò to lớn của nhà trường đối với cuộc sống mỗi con người.
Về nghệ thuật: Tác giả đã sử dụng cách miêu tả nhân vật qua dòng tâm trạng chân thực, sâu sắc. Văn bản được viết dưới dạng nhật kí tâm tình, sâu lắng

* Phân tích văn bản:
1. Tâm trạng của mẹ và con trong đêm trước ngày khai trường
a. Tâm trạng của con
Trong đêm trước ngày khai trường, con chìm sâu vào giấc ngủ một cách dễ dàng, trong lòng không có mối bận tâm nào. Sở dĩ con có thể chìm sâu vào giấc ngủ một cách dễ dàng như vậy vì con vẫn là một đứa trẻ ngây thơ, và con được sống trong sự bao bọc, yêu thương của mẹ.
Tuy vậy, đến trường với con vẫn là một dấu mốc thiêng liêng và đầy mong đợi. Con cũng như trưởng thành hơn. Trước đó con đã hăng hái giúp mẹ dọn dẹp đồ chơi và thể hiện rõ niềm háo hức của mình khi được đi học.
Tất cả những chi tiết miêu tả về con đã làm toát lên sự vô tư, hồn nhiên và niềm vui được tới trường của chú bé. Trước hình ảnh cậu bé, chúng ta như gặp lại chính mình trong buổi đầu tiên cắp sách đến trường: hồi hộp, bỡ ngỡ, xao xuyến, chờ mong… Có lẽ, kỉ niệm về ngày đầu tiên đến trường sẽ mãi mãi là kỉ niệm tuổi thơ đẹp và không thể mờ phai.
b. Tâm trạng của mẹ
Trái ngược với sự vô tư, hồn nhiên của con, mẹ trằn trọc không ngủ, không biết làm gì. Ngày đầu tiên con đến trường, mẹ không lo lắng, nhưng còn hồi hộp, xúc động hơn con.
Mẹ bâng khuâng, xao xuyến nhớ về ngày đầu tiên đến trường của mình, với những cảm xúc còn nguyên vẹn như ngày đầu: nôn nao, hồi hộp, chơi vơi. Hình ảnh mẹ hiện lên qua dòng cảm xúc sâu sắc mà chân thực. Mẹ nhìn con ngủ, như tâm sự với con, mà thực ra là nói với chính bản thân mình.
Qua những suy nghĩ, tâm trạng của mẹ, ta có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, dù không nói thành lời. Đoạn văn là sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt: tự sự, trữ tình, biểu cảm.
2. Vai trò của giáo dục và nhà trường
Từ câu chuyện về ngày khai trường ở Nhật, mẹ suy nghĩ về vai trò to lớn của giáo dục đối với thế hệ trẻ.
Giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng:
+ Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai.
+ Mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.
Như vậy, qua văn bản, Lí Lan đã nhắn nhủ tới mọi người tầm quan trọng của giáo dục và nhà trường. Nhà trường là nơi cung cấp tri thức và giáo dục nhân cách cho con người. Nhà trường mở ra một thế giới mới: thế giới của tri thức, thế giới của tình bạn, tình thầy trò. Với một đứa trẻ, trường học là thế giới của riêng nó, nơi chắp cánh cho những ước mơ được bay cao, bay xa.
Nhan đề “Cổng trường mở ra” đã gợi ra một hình ảnh thật đẹp đẽ và thiêng liêng. Cánh cổng trường không chỉ mở ra để đón các em học sinh, mở ra trước mắt các em một chân trời mới mà còn mở ra trong lòng mỗi chúng ta biết bao hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.
* Câu hỏi trắc nghiệm:
Câu 1. Từ nào dưới đây thể hiện đúng nhất tâm trạng, cảm xúc của con trong đêm trước ngày khai trường?
A. háo hức
|
B. hăng hái
|
C. trằn trọc
|
D. vô tư
|
Câu 2. Để nói về việc giấc ngủ đến với con một cách dễ dàng, tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh nào?
A. dễ như trở bàn tay
|
B. dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái kẹo
|
C. dễ như đi bộ
|
D. dễ dàng như uống một li sữa, ăn một cái bánh
|
Câu 3. Việc con chuẩn bị quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới…. sẵn sàng, cho thấy:
A. con là một đứa trẻ ngoan
|
B. con đã lên lớp Một, thấy mình đã trưởng thành
|
C. mẹ rất nghiêm khắc với con
|
D. con luôn gọn gàng, ngăn nắp
|
Câu 4. Vì sao người mẹ lại trằn trọc và không ngủ được?
A. Vì mẹ phải dọn dẹp đồ chơi cho con.
B. Vì mẹ lo lắng khi con đi học.
C. Vì mẹ bâng khuâng nhớ về những kỉ niệm ấu thơ của mình.
D. Vì mẹ bị bệnh mất ngủ.
Câu 5. Cho các từ: mãi mãi, nôn nao, chơi vơi, nhẹ nhàng, tự nhiên, rạo rực, xao xuyến, bâng khuâng, cẩn thận, hồi hộp, hốt hoảng. Hãy tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn thiện đoạn văn sau:
Cái ấn tượng khắc sâu ……………… trong lòng một con người về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy, mẹ muốn ………………, ………………và ………………ghi vào lòng con. Để rồi bất cứ một ngày nào đó trong đời, khi nhớ lại, lòng con lại ………………những cảm xúc ………………, ………………[…] Mẹ còn nhớ sự ………………, ………………khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi ………………, ………………khi cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cánh cổng như đứng bên ngoài cái thế giới mà mẹ vừa bước vào.
Câu 6. Khoanh tròn trước những câu văn thể hiện tầm quan trọng của giáo dục.
a. Ngày mẹ còn nhỏ, mùa hè nhà trường đóng cửa hoàn toàn, và ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường gặp thầy mới, bạn mới.
b. Mẹ nghe nói ở Nhật, ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội.
c. […] không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai.
d. Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mau sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.
e. Đêm nay mẹ không ngủ được.
f. […] bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu mở ra.
* Đáp án:
1-A, 2-B, 3-B, 4-C 6-D
Câu 5: Các từ điền theo thứ tự lần lượt: mãi mãi, nhẹ nhàng, cẩn thận, tự nhiên, rạo rực, bâng khuâng, xao xuyến, nôn nao, hồi hộp, chơi vơi, hốt hoảng.
* Tư liệu đọc thêm:

(Trích Trang thư cuối cùng của mẹ tôi, Những tấm lòng cao cả, Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2012)

(Báo Thể Thao và Văn hóa, số 111 ra ngày 20/4/2008)