Tư liệu Ngữ văn THCS xin gửi tới thầy cô và các em Bộ tài liệu Tổng hợp đề thi khảo sát chất lượng Văn 7. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho thầy cô và các em trong quá trình ôn tập môn Văn.

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG VĂN 7 SỐ 01
PHÒNG GD – ĐT HƯNG HÀ
TRƯỜNG THCS LÊ DANH PHƯƠNG
|
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I
NĂM HỌC 2017– 2018
MÔN: VĂN 7
(Thời gian làm bài 90 phút)
|
||
Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)
Đọc bài ca dao sau và trả lời các câu hỏi:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

1. Bài ca dao thuộc đề tài nào? Phương thức biểu đạt chính của bài ca dao là gì?
2. Chỉ rõ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong bài ca dao.
3. Trong bài ca dao có nhắc đến một thành ngữ Hán Việt, hãy tìm và giải thích nghĩa thành ngữ Hán Việt đó.
Phần II: Tập làm văn (7 điểm)
Câu 1: 1. Viết đoạn văn cảm nghĩ về tình bạn (khoảng 5-7 dòng) trong đó có sử dụng ít nhất 2 từ láy. Gạch chân dưới những từ láy đó. (2 điểm)
Câu 2: Cảm nghĩ của em về bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. (5 điểm)

TẢI VỀ BỘ ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG VĂN 7
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG VĂN 7
Năm học: 2017- 2018
Phần I: Đọc – hiểu (3 điểm)
Bài ca dao thuộc đề tài những bài ca dao về tình cảm gia đình.(0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt: biểu cảm (0,5 điểm)
Biện pháp tu từ so sánh: (0,5 điểm)
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Tác dụng: Giúp cảm nhận sâu sắc và cụ thể hơn công lao to lớn của cha mẹ. (0,5 điểm)
Thành ngữ Hán Việt: Chín chữ cù lao (0,5 điểm)
Giải nghĩa: Nói về công lao cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. (0,5 điểm)
Phần 2: Tập làm văn(7 điểm)
Câu 1:
Hình thức: đoạn văn đảm bảo dung lượng (5-7 dòng), diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc.(0,5 điểm)
Nội dung: HS trình bày được những cảm xúc và suy nghĩ về tình bạn nói chung hoặc tình bạn của bản thân mình. (1,5 điểm)
GV chú ý khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Câu 2:
1. Các tiêu chí về nội dung bài viết:
a. Mở bài: (0,5 điểm) Dẫn dắt giới thiệu bài thơ.
– Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Bà đã gởi gắm vào thơ những điều suy tư, trăn trở trước hiện thực phức tạp của xã hội phong kiến.
– Bài thơ Bánh trôi nước là loại thơ vịnh vật, kín đáo phản ánh thân phận phụ thuộc và phẩm giá cao quý của người phụ nữ.
b. Thân bài: (3 điểm)
* Cảm nghĩ về hình ảnh chiếc bánh trôi nước và ý nghĩa ẩn dụ của nó:
– Bánh trôi là thứ bánh hình tròn làm bằng bột nếp, nhân bằng đường đỏ, luộc trong nước sôi, chìm nổi vài lần là chín.
– Mượn những đặc điểm trên, Hồ Xuân Hương ám chỉ thân phận lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ:
Họ bị lễ giáo phong kiến ràng buộc, bị tước quyền làm chủ của bản thân, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.
* Cảm nghĩ về phẩm giá trong sạch, cao quý của người phụ nữ:
– Ngầm khẳng định: Cuộc đời dù có ba chìm bảy nổi, đầy gian nan, thử thách… nhưng người phụ nữ vẫn giữ trọn phẩm chất cao quý, (tấm lòng son) của mình.
– Cách nói khiêm nhường nhưng cứng cỏi, như một lời thách thức với các thế lực bạo tàn đang chà đạp lên quyền sống và nhân phẩm phụ nữ.
c. Kết bài (0,5 điểm)
– Bài thơ tứ tuyệt 28 chữ mà hàm chứa sâu xa ý nghĩa nhân sinh.
– Cách nhìn và cách nghĩ tiến bộ của Hồ Xuân Hương đậm tính nhân văn, do đó mà thơ bà sống mãi với thời gian.
2. Các tiêu chí khác: (1,0 điểm)
Hình thức: Trình bày sạch, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt. (0,25 điểm)
Sáng tạo: Sử dụng ngôn ngữ biểu cảm, chọn lọc, có sử dụng kết hợp miêu tả, tự sự và biểu cảm. Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, bài viết lôi cuốn, hấp dẫn, cảm xúc. (0,5 điểm)
Lập luận: Bài làm cần tập trung làm nổi bật tình cảm, suy nghĩ của em về bài thơ. Viết theo trình tự hợp lí logic, giữa các phần có sự liên kết chặt chẽ.(0,25 điểm)
Xem thêm: