Văn bản “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương nằm trong chương trình Ngữ văn 7 tập một. Là một văn bản có lượng kiến thức không nhiều, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Do đó, các thầy cô hoàn toàn dễ dàng làm mới văn bản này, để cho hs được hoạt động tích cực.
Blog Tư liệu Ngữ văn THCS gợi ý cho các thầy cô cách tổ chức bài học này theo hướng tích cực như sau:
Hoạt động 1: Giới thiệu bài
– Gv mang bánh trôi đến lớp, cho hs quan sát (màu sắc, hình dáng); cho hs ăn và cảm nhận (mùi vị, cấu tạo…).
– GV hỏi hs về cách làm bánh trôi nước.
? Hình ảnh bánh trôi nước khiến em liên tưởng đến gì?
–> Giới thiệu về bài thơ.
(Cách làm này sẽ hay nhất nếu hs chưa biết hôm nay học bài gì, không cần soạn bài từ trước).
Hoạt động 2: Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
Phần này các thầy cô nên làm khéo léo, tránh ngắt mạch của hoạt động 1. Có thể để hs đọc thơ, nêu khái quát nội dung/cảm nhận ban đầu về bài thơ. Đặt câu hỏi: Vì sao tác giả lại có những liên tưởng như vậy –> tìm về cuộc đời của nhà thơ.
Trong phần này, giáo viên cũng nên kể thêm các câu chuyện về cuộc đời của Hồ Xuân Hương để bài học thêm hấp dẫn.
Hoạt động 3: Làm việc nhóm – đọc hiểu văn bản
GV tổ chức cho hs hoạt động nhóm theo kĩ thuật mảnh ghép:
– Bước 1: Nhóm chuyên gia
GV chia nhóm tùy vào số hs trong lớp. Có thể chia thành 2 nhiệm vụ (nhóm tìm hiểu về nghĩa tả thực /nhóm tìm hiểu về nghĩa bóng hoặc nhóm tìm hiểu hai câu đầu, hai câu cuối). Có thể chia thành 4 nhóm (mỗi nhóm phân tích, cảm nhận 1 câu thơ).
Nên phát bảng phụ, giấy A1 để hs trình bày sản phẩm thành sơ đồ, hoặc vẽ tranh minh họa nếu thích.
– Bước 2: Nhóm mảnh ghép
GV di chuyển hs về nhóm mảnh ghép, sao cho mỗi nhóm có đủ thành viên của các nhiệm vụ.
Mẹo: Cho hs đếm số trong mỗi nhóm (1,2,3,4…) Những bạn có cùng số sẽ về nhóm mới.
Trong nhóm mảnh ghép, các thành viên chuyên gia của nhiệm vụ nào sẽ trình bày về nhiệm vụ đó. GV nên có phiếu nghe để hs điền trong quá trình nghe. Có luật: Gọi học sinh bất kì / điểm của bạn đó là điểm của cả nhóm để hs tích cực hơn trong hoạt động.
*Nếu GV chưa quen mảnh ghép, có thể để từng nhóm lên thuyết trình.
Lưu ý phải có nhiệm vụ cho nhóm nghe: nhận xét, bổ sung, đặt câu hỏi. Sản phẩm nhóm phải thu lại sau khi hoạt động nhóm kết thúc, tránh trường hợp hs không nghe, lại hí hoáy làm việc nhóm tiếp.
– Bước 3: Giáo viên chốt kiến thức.
Hoạt động 4: Liên hệ, mở rộng
– Liên hệ với những tác phẩm viết về thân phận người phụ nữ.
– Ngày nay, người phụ nữ đã có một cuộc sống khác. GV kể những tấm gương về người phụ nữ nghị lực kiên cường, thành công… để tạo động lực cho học sinh.