“Trong lòng mẹ” là một đoạn trích đầy cảm động về tình mẫu tử. Văn bản nằm trong chương trình Ngữ văn 8, tập một. Tư liệu Ngữ văn THCS xin giới thiệu với các thầy cô và các em phần phân tích văn bản “Trong lòng mẹ”, hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích dành cho các thầy cô và các em trong quá trình học tập.
ÔN TẬP VĂN BẢN “TRONG LÒNG MẸ”
I. Tìm hiểu chung về tác giả và đoạn trích “Trong lòng mẹ”
1. Tác giả
– Nguyên Hồng (1918 – 1982), quê ở thành phố Nam Định. Trước cách mạng, ông sống chủ yếu ở phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo àyêu thương những người cùng khổ.
– Ông luôn hướng ngòi bút về những người cùng khổ. Là nhà văn của phụ nữ và trẻ em.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
– Trong lòng mẹ là chương IV của tác phẩm Những ngày thơ ấu. Tác phẩm gồm chín chương, kể về tuổi thơ cay đắng của tác giả.
b. Bố cục:
- Hai phần:
+ Từ đầu đến “người ta hỏi đến chứ”: Cuộc trò chuyện với bà cô.
+ Còn lại: Cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con bé Hồng.
c. Thể loại: Tiểu thuyết tự thuật (tự truyện), kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả và biểu cảm.
|
Nhân vật người kể chuyện xưng tôi – ngôi thứ nhất cũng chính là tác giả kể lại chuyện đời mình một cách chân thực và cảm động.
II. Đọc – hiểu văn bản “Trong lòng mẹ”1. Bé Hồng và cuộc trò chuyện với bà côa. Hoàn cảnh của bé Hồng
– Hoàn cảnh của bé Hồng: cha mất sớm, mẹ bỏ đi, họ hàng không yêu thương mà chỉ dè bỉu, khinh miệt; luôn sống trong sự khao khát tình thương của mẹ.
à Chỉ là một đứa trẻ mà em đã phải sớm chịu nhiều mất mát, phải đối diện với những cay nghiệt, bạc bẽo của cuộc đời. Đó là một số phận đáng thương.
![]() b. Nhân vật bà cô
– Bà cô hiện lên rất chân thực, sống động qua ngòi bút kể, tả của tác giả:
+ Cười, hỏi
+ Giọng ngọt ngào
+ Hai con mắt long lanh nhìn bé Hồng chằm chặp
+ Ngân thật dài, thật rõ hai tiếng em bé
+ Tươi cười kể chuyện
– Những hành động, cử chỉ của bà cô không xuất phát từ tình yêu và sự quan tâm dành cho cháu mà mục đích chính của bà cô chính là săm soi, gieo rắc vào đầu bé Hồng những hoài nghi để bé khinh miệt và ruồng rẫy mẹ.
à Bà cô là người đàn bà độc ác, hẹp hòi, tàn nhẫn, vô cảm với cả đứa cháu ruột thịt.
|
à Bà cô là đại diện của những hủ tục lạc hậu trong xã hội cũ.
c. Tâm trạng của bé Hồng
– Tâm trạng của bé Hồng được thể hiện qua những hành động:
+ Cúi đầu không đáp à buồn rầu, đau đớn.
+ im lặng cúi đầu xuống đất, lòng thắt lại, khóe mắt cay cay à dù nhận ra mục đích của bà cô nhưng em không sao ngăn được nỗi đau trong lòng.
+ Nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ à thương mẹ, căm tức những thành kiến một cách cực độ.
+ Cười dài trong tiếng khóc
+ Cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng
+ Muốn phá tan những cổ tục lạc hậu.
|
=> Bé Hồng còn nhỏ nhưng đã phải chịu những nỗi đau lớn. Em hiện lên với tâm trạng đau đớn, cô đơn, tủi nhục. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là tình yêu mẹ không gì có thể lung lay; là những suy nghĩ chín chắn, là sự căm tức những cổ tục lạc hậu.
Tính cách hẹp hòi, tàn nhẫn của bà cô được xây dựng tương phản với sự trong sáng, giàu tình yêu thương của bé Hồng. Từ câu chuyện riêng của đời mình, Nguyên Hồng đã truyền đến cho người đọc những nội dung mang ý nghĩa xã hội bằng những dòng văn giàu cảm xúc, có hình ảnh, ấn tượng qua cuộc đối thoại và những cung bậc cảm xúc của H. Chúng ta cảm thông với những nỗi đau, những mất mát của H,chúng ta cũng trân trọng bản lĩnh cứng cỏi, tấm lòng thương yêu mẹ sâu sắc của H.
2. Bé Hồng trong lòng mẹ
a. Khi nhìn thấy bóng mẹ từ xa
– Khi chợt nhìn thấy bóng người ngồi trong xe giống mẹ, Hồng liền đuổi theo, bối rối gọi theo. Ba tiếng mợ ơi đầy tha thiết, cuống quýt, mừng tủi, xót xa, thể hiện sự khát khao gặp mẹ trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ mồ côi.
– Sự lo sợ nếu mình nhầm cùng hình ảnh so sánh: ảo ảnh của người đi trên sa mạc đã nhấn mạnh nỗi khát khao được gặp mẹ của bé Hồng, nếu không được gặp mẹ thì đó là nỗi thất vọng quá lớn.
b. Khi gặp mẹ
– Khi biết đó là mẹ, cậu đuổi theo, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, ríu cả chân lại à cuống quýt, mừng rỡ.
– Cậu khóc òa lên nức nở. Đó vừa là giọt nước mắt tủi thân, lại là sự vỡ òa của hạnh phúc khi được gặp lại mẹ.
– Khi nằm trong lòng mẹ:
+ Hồng ngắm nhìn mẹ. Mẹ hiện lên tươi tắn với đôi mắt trong, làn da mịn, hai gò má hồng hào. à Em có suy nghĩ mẹ tươi đẹp vì được gặp em và ôm ấp em. à Người mẹ trong cái nhìn hạnh phúc và tình yêu của con hiện lên thật đẹp.
+ Cảm xúc của chú bé Hồng: cảm xúc ấm áp mơn man khắp da thịt, êm dịu vô cùng, rạo rực; những lời chế nhạo cũng chìm đi ngay.
à Trong lòng mẹ là cả một thế giới bình yên, ấm áp và hạnh phúc.
|
– Nghệ thuật: miêu tả kết hợp với tự sự và biểu cảm.
Giây phút được nằm trong lòng mẹ là giây phút bình yên, hạnh phúc nhất. Với cậu bé luôn khát khao tình yêu thương của mẹ, giây phút ấy càng đáng quý biết bao. Dường như cậu ước ao được nằm thật lâu, thật lâu trong lòng mẹ. Trong lòng mẹ, trong hạnh phúc dạt dào, tất cả những phiền muộn, những sầu đau, tủi hổ cũng chỉ như bong bóng xà phòng, như áng mây trôi, cũng trôi tuột đi mà thôi.

III. Tổng kết
1. Nội dung
– Truyện kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực của cậu bé Hồng.
– Qua đó, làm nổ bật tình yêu thương cháy bỏng của cậu bé dành cho mẹ.
2. Nghệ thuật
– Kết hợp lời kể với miêu tả, biểu cảm (qua các hình ảnh so sánh giàu sức gợi tả, gợi cảm) tạo rung động trong lòng độc giả
|
– Khắc hoạ hình tượng nhân vật Hồng với lời nói, hành động, tâm trạng sinh động, chân thật
Nguồn – Tư liệu Ngữ văn THCS (Mọi sao chép vui lòng ghi rõ nguồn)
Xem thêm: