Ca dao, dân calà khái niệm chỉ thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ngày nay, có sự phân biệt giữa hai khái niệm ca dao và dân ca. Trong đó, dân ca là những câu hát có lời, có nhạc, dùng trong diễn xướng (hát, đối đáp). Còn ca dao là phần lời thơ, cũng là một thể thơ dân gian.
Dựa vào nội dung, người ta chia ca dao thành nhiều mảng. Trong chương trình Ngữ Văn 7, có bốn mảng ca dao được giới thiệu: Ca dao về tình cảm gia đình; Ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người; Ca dao than thân; Ca dao châm biếm.
CA DAO, DÂN CA
NHỮNG CÂU HÁT VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề chính của ca dao, dân ca. Nói về tình cảm gia đình, người dân lao động xưa thường ca ngợi tình cảm của: cha mẹ đối với con cái; con cái – cha mẹ; con cháu – tổ tiên, ông bà; anh chị em…; từ đó răn dạy, khuyên bảo con người ta phải sống có tình, có nghĩa.
Hai bài ca dao được học trong chương trình là “Công cha như núi ngất trời” và “Anh em nào phải người xa”. Về nội dung, hai bài ca dao này đã ca ngợi tình cảm gia đình thân thiết: công lao của cha mẹ, sự gắn bó của anh em trong một gia đình. Qua đó nhắn nhủ phải biết trân trọng, yêu quý những người thân. Về nghệ thuật, tác giả dân gian đã sử dụng thể thơ lục bát nhịp nhàng, tạo âm điệu tâm tình cùng với các hình ảnh so sánh giản dị, quen thuộc.
1. Bài ca dao số 1
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi
Bài ca dao là lời ru tha thiết, nồng nàn của người mẹ dành cho đứa con thơ. Có thể khi còn nằm trong nôi, đứa trẻ chưa hiểu hết lời ru của mẹ, nhưng qua tháng năm con khôn lớn, lời ru sẽ ngấm dần và theo con đi suốt cuộc đời. Do đó, lời khuyên bảo không khô khan, giáo điều mà nhẹ nhàng, thấm thía.
Tác giả dân gian đã sử dụng những hình ảnh so sánh quen thuộc: công cha cao như núi; nghĩa mẹ sâu rộng như nước biển Đông để vừa khiến cho câu ca dao giàu hình ảnh, vừa nhấn mạnh tình yêu thương bao la, rộng lớn mà cha mẹ đã dành cho con. Núi cao bao nhiêu, người xưa không đo đếm được. Biển rộng mênh mông chừng nào, ta cũng không thể biết. Tình yêu thương của cha mẹ cũng vậy, bao la rộng lớn đến khôn cùng.
Câu thơ thứ ba nhấn mạnh một lần nữa hình ảnh cao rộng mênh mông của núi biển như muốn khắc sâu, ghi tạc tình yêu thương, công ơn trời bể của mẹ cha vào lòng mỗi đứa con. Tình yêu thương của mẹ cha còn được thể hiện rõ trong chín chữ cù lao (chín chữ nói về sự siêng năng, khó nhọc của cha mẹ). Các từ Hán Việt đã làm tăng thêm âm điệu tôn kính . Đồng thời, thể hiện tình yêu của mẹ cha luôn theo con trong suốt cuộc đời, từ khi con sinh ra cho tới khi con khôn lớn, trưởng thành. Bài ca dao chính là lời nhắn nhủ, tâm tình con phải khắc ghi.
Trong lời ru con, mẹ như cũng đang nhớ về những người đã sinh thành, nuôi dưỡng nên mình. Với cách so sánh dân dã, âm điệu sâu lắng, bài ca dao đã biểu lộ lòng biết ơn sâu nặng và khuyên nhủ trách nhiệm của người làm con. Trong ca dao, ta có thể bắt gặp rất nhiều những bài thơ có cùng nội dung ngợi ca công lao của cha mẹ:
Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Biển Đông có lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng.
Ân cha lành cao như núi Thái,
Đức mẹ hiền sâu tựa biển khơi,
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta.
2. Bài ca dao số 4
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.
Bài ca dao là tiếng hát về tình cảm anh em thân thương. Mở đầu bài ca dao là một lời phủ định dứt khoát: anh em nào phải người xa. Hai từ “người xa” vừa dân dã lại vừa giàu cảm xúc, giàu ý nghĩa: xa không phải là về khoảng cách mà xa chính là sự xa lạ. Người xa được hiểu là người lạ, người dung, người không cùng chung máu mủ ruột rà.
Anh em khác với người xa bởi những chữ “cùng”, chữ “chung”, chữ “một” thật thiêng liêng: cùng chung cha mẹ, cùng chung một mái nhà. Tình cảm anh em được so sánh với hình ảnh chân tay – gắn kết, luôn đi liền với nhau. Đó là hình ảnh so sánh vừa giản dị, vừa giàu sức gợi. Tay với chân luôn đi liền với nhau, là hai bộ phận không thể thiếu trong cơ thể người. Thiếu một trong hai, con người sẽ trở thành khiếm khuyết. Một gia đình nếu thiếu đi một cá nhân thì không thể trở thành một mái ấm trọn vẹn. Hình ảnh so sánh đã làm nổi bật tình cảm anh em thân thiết, gần gũi thiêng liêng.
Bài ca dao nhắn nhủ: vì anh em là người một nhà, thân thiết máu mủ nên phải biết yêu thương nhau, sống hòa thuận với nhau, để cho cha mẹ vui lòng.
Trong ca dao, cũng có rất nhiều những bài ca khuyên nhủ, ngợi ca tình cảm anh em như vậy:
Anh em như chân với tay
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.
Anh em ăn ở thuận hoà
Chớ điều chếch lệch người ta chê cười.
NHỮNG CÂU HÁT
VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI
Tình yêu quê hương, đất nước cũng là một trong những chủ đề chính của ca dao, dân ca. Nói về tình yêu quê hương, đất nước, ông cha ta thường: ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, ca ngợi những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, ca ngợi sức mạnh của con người. Qua những bài ca dao đó, hiện lên một đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa và những con người yêu mến, gắn bó và tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình.
Về nội dung: những bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người được học trong chương trình Ngữ Văn 7 đều cho thấy tình yêu quê hương, đất nước, con người được hòa quyện với nhau, vừa giản dị lại vừa sâu sắc.
Về nghệ thuật: tác giả dân gian đã khéo léo sử dụng thể thơ lục bát, lục bát biến thể, thơ tự do. Tuy đa dạng về thể loại nhưng vẫn giữ được âm điệu tha thiết. Trong bài ca dao số 1, tác giả dân gian đã sử dụng lối đối đáp quen thuộc. Còn trong bài ca dao số bốn, tác giả đã sử dụng phép lặp và lối so sánh quen thuộc của ca dao.
1. Bài ca dao số 1
Bài ca dao được viết dưới hình thức đối đáp. Đây là một hình thức quen thuộc của ca dao: trai gái đối đáp trao duyên, có thể là trong những ngày hội, cũng có thể là trên cánh đồng, trong lúc nghỉ ngơi. Đối đáp phần lớn là để thể hiện tình cảm, trao duyên, những cũng có lúc là để thử tài.
Trong bài ca dao, câu hỏi và lời đáp hướng về nhiều địa danh khác nhau. Đó không chỉ là những đặc điểm về tự nhiên mà còn có cả những dấu vết lịch sử, văn hóa. Ở đâu năm cửa, sông nào sáu khúc, núi nào thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh… Những dòng sông, ngọn núi, cửa thành trên quê hương bao la rộng lớn, nếu chưa bao giờ đi đến hay không biết đến, cũng chẳng có gì là lạ. Ấy vậy mà cô gái có thể đối đáp một cách dễ dàng, trôi chảy.
Chàng trai, cô gái lấy những địa danh làm nội dung hỏi đáp đã thể hiện sự am hiểu về quê hương, đất nước. Qua đó, quê hương hiện lên với những vẻ đẹp, giá trị nổi bật. Từ đó, ta có thể thấy được tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp mang đậm chiều sâu văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước mình của những chàng trai, cô gái.
Cô gái, chàng trai thử tài hiểu biết của nhau. Nhưng từ đó để thấy họ có cùng chung tình yêu quê hương đất nước. Với cách nói chàng – nàng đầy tế nhị, duyên dáng, ca dao đối đáp, thử tài cũng chính là để trao duyên. Tình yêu quê hương, đất nước đã hòa quyện trong tình yêu lứa đôi một cách duyên dáng mà nồng nàn.
Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, có không ít những bài ca dao đối đáp tương tự. Các chàng trai, cô gái đố nhau về những địa danh trên quê hương đất nước mình với một niềm tự hào, yêu mến:
Ở đâu làm được vải con?
Ở đâu gánh đất nặn nên cái nồi?
Ở đâu gánh đá nung vôi?
Ở đâu nấu rượu cho người ta mua?
…
Làng Bút làm được vải con
Thổ Oa gánh đất làm nên cái nồi
Làng Nhồi gánh đá nung vôi
Làng Vạn nấu rượu cho người ta mua
2. Bài ca dao số 4
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất ngơ dưới ngọn nắng hồng ban mai

Hai câu đầu có một cấu trúc rất đặc biệt: câu hai là sự lặp lại và đảo chỗ các hình ảnh của câu một. Cấu trúc đó đã nhấn mạnh hình ảnh thơ mộng, yên bình, trù phú của cánh đồng lúa quê hương. Dù đúng ở bên này, ngó sáng bên kia, hay từ bên kia, ngó sang bên này, đâu đâu cũng bắt gặp vẻ đẹp mênh mông bát ngát của cánh đồng lúa. Cách dùng từ của tác giả dân gian khiến cho không gian trở nên rộng mở thênh thang hơn, tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Những từ ngữ địa phương “ni”, “tê” không làm cho bài ca dao khó hiểu. Ngược lại, nó khiến cho ngôn ngữ của bài ca dao trở nên giản dị, mang một nét rất riêng của quê hương miền Trung.
Hai câu cuối bắt đầu bằng cụm từ “thân em”, vốn là cụm từ quen thuộc trong ca dao khi người con gái muốn bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Trong ca dao, phần lớn cụm từ “thân em” được dùng khi người con gái muốn than thở về thân phận bạc bẽo, lênh đênh của mình: “Thân em như cây quế giữa rừng / Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”; “thân em như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”…
Trong bài ca dao này, hình ảnh người con gái hiện lên thật đẹp: cô gái được so sánh với chẽn lúa đòng đòng dưới ngọn nắng hồng ban mai – người con gái đang tuổi xuân thì, trẻ trung, phơi phới. So với cánh đồng bao la, bát ngát, cô gái thật nhỏ bé, mảnh mai. Nhưng đó lại là một vẻ đẹp hài hòa: cả người và cảnh đều tươi mới, giàu sức sống. Bài ca dao là sự hòa quyện đẹp đẽ giữa cảnh sắc thiên nhiên và vẻ đẹp của con người.
Bài ca dao có thể là lời của chàng trai si tình, yêu cảnh, yêu người; cũng có thể là lời của cô thôn nữ duyên dáng, dịu dàng, yêu thiên nhiên, yêu bản thân mình nhưng cũng vương chút lo âu về tương lai. Cô gái xinh đẹp, đầy sức sống như chẽn lúa đòng đòng dưới ngọn nắng ban mai, nhưng ai biết được ngày sau sẽ ra sao? Chút lo âu của ấy phải chăng được gợi ra từ cụm từ “thân em” – vốn là cụm từ quen thuộc trong ca dao than thân? Nhưng dù hiểu theo cách nào thì nét nổi bật trong bài ca dao vẫn chính là vẻ đẹp thiên nhiên trong sự hòa quyện với vẻ đẹp của con người, tình yêu quê hương và tình yêu con người luôn song hành, hòa quyện với nhau.
NHỮNG CÂU HÁT THAN THÂN
Người dân lao động xưa quanh năm chân lấm, tay bùn,vất vả, khổ cực đủ đường. Bởi vậy, tiếng hát than thân cất lên như giúp họ vơi đi những nỗi niềm chất chứa trong lòng.
Về nội dung, ca dao than thân nói lên số phận long đong, những vất vả, oan trái mà người dân lao động phải trải qua. Trong đó, có một bộ phận lớn các bài ca dao nói lên thân phận nổi trôi, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Về nghệ thuật, ca dao than thân thường sử dụng thành ngữ và những hình ảnh so sánh, ẩn dụ giản dị mà giàu sức gợi, với âm điệu tha thiết của thể thơ lục bát.
1. Bài ca dao số 1
Bài ca dao mở đầu bằng cụm từ “thương thay”. Cụm từ ấy được lặp đi lặp lại khi nhắc đến mỗi hình ảnh: con tằm, lũ kiến, hạc, con cuốc đã tạo cho bài thơ nhịp điệu, một sự buồn thương da diết. Mỗi lần từ “thương thay” cất lên là lại kèm theo một số phận bất hạnh.
Mỗi một đối tượng nhắc đến trong bài lại được cảm thương ở những phương diện khác nhau: con tằm vất vả nhả tơ, con kiến phải đi tìm mồi, con hạc bay mỏi cánh, con cuốc suốt đời kêu. Đó đều là những con vật nhỏ bé, đáng thương.
Những con vật đó chính là những hình ảnh ẩn dụ cho con người: Con tằm, con kiến là hình ảnh người nông dân nhỏ bé, phải lao động vất vả, nhọc nhằn. Con tằm nhả hết đời tơ thì chết cũng giống như người lao động bị bóc lột đến cùng. Còn con kiến lại giống như người nông dân với thân phận bé nhỏ, ai cũng có thể đàn áp, bắt nạt. Con hạc vốn tượng trưng cho sự tinh túy, thanh cao nhưng ở đây, con hạc lại phải lang thang kiếm ăn, trốn tránh tai họa. Kiếp sống ấy chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Ca dao than thân cũng có câu: Em như con hạc đầu đình / Muốn bay không cất nổi mình mà bay. Con cuốc có lẽ là hình ảnh cảm động nhất. Tiếng kêu khắc khoải, oan trái dù có kêu ra máu cũng chẳng ai hiểu, chẳng ai thấu chính là nỗi vất vả, oan trái của người nông dân không biết kêu ai.
Như vậy, người nông dân thương cho những con vật nhỏ bé cũng chính là thương cho số phận của chính mình. Người dân lao động đã khéo léo, kín đáo bày tỏ nỗi niềm của mình qua những hình ảnh ẩn dụ. Giống như một tiếng thở dài để những tủi hờn có thể vơi đi.
Lối nói ẩn dụ, dùng những con vật nhỏ bé để than thở cho số phận của mình vốn là một lối nói quen thuộc trong ca dao. Ta có thể bắt gặp hàng loạt bài ca dao tương tự:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia
Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
2. Bài ca dao số 3
Bài ca dao được mở đầu bằng cụm từ “thân em” như một tiếng than vừa nhẹ nhàng lại vừa tha thiết. Nếu ở bài ca dao trên, người than chỉ dám “thương thay”, dùng hình ảnh của những con vật bé nhỏ để nói hộ lòng mình thì ở bài ca dao này, người than đã dám mạnh dạn than thở cho chính cái thân phận của mình
Cụm từ “thân em” là một cụm từ giàu sức gợi. Bởi trong ca dao, có biết bao nhiêu bài đều được bắt đầu từ cụm từ “thân em” như thế: thân em như giếng giữa đàng; thân em như cây quế giữa rừng... Giống như một tiếng thở dài quen thuộc mỗi khi cảm thấy buồn rầu. Và sau cụm từ “thân em”, bao nỗi ưu phiền chất chứa sẽ được giãi bày ra.
Thân em gợi lên thân phận mỏng manh, gầy guộc, đáng thương. Đi liền với thân em, thường sẽ là một hình ảnh so sánh. Trong bài ca dao này, là một hình ảnh so sánh giản dị và đậm chất Nam Bộ: trái bần trôi. Một cô gái lại tự ví mình với thứ quả đơn sơ, vừa chua vừa chát. Nhưng điều quan trọng hơn là “gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”. Đó chính là thân phận lênh đênh, nổi trôi vô định, không tự đoám biết được rồi sẽ đi đâu về đâu.
Bài ca dao là tiếng nói chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: đau đớn trước thân phận bọt bèo, nổi nênh, không tự quyết định được số phận của mình. Nỗi đau ấy quá dai dẳng và không có lối thoát, nên ca dao có rất nhiều bài có chung nội dung than thở như thế:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân
Em như con hạc đầu đình
Muốn bay không nhấc nổi mình mà bay
NHỮNG CÂU HÁT CHÂM BIẾM
Những câu hát châm biếm là một bộ phận đặc sắc trong kho tàng ca dao, ở đó đã thể hiện sự đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian. Và qua mỗi bài ca dao, tiếng cười cất lên đầy tự nhiên, vui vẻ mà vẫn ẩn chứa đầy ý nghĩa.
Về nội dung: Ca dao châm biếm phơi bày những sự việc mâu thuẫn, những thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội. Qua đó, châm biếm một cách kín đáo, sâu cay với mục đích bài trừ những thói hư, tật xấu đó.
Về nghệ thuật: tác giả dân gian thường sử dụng những hình ảnh tượng trưng, biện pháp nói ngược, phóng đại, qua đó, tạo nên tiếng cười nhẹ nhàng mà sâu cay.
1. Bài ca dao số 1
Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng
Chú tôi hay tửu hay tăm
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa
Ngày thì ước những ngày mưa
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh
Bài ca dao mở đầu bằng một hình ảnh dân dã, quen thuộc: “Cái cò lặn lội bờ ao”. Hình ảnh cái cò chính là hình ảnh nhỏ bé, giản dị mà lam lũ của người lao động. Đây cũng là hình ảnh xuất hiện rất nhiều trong ca dao. Có lẽ vì với người dân lao động, không có gì gần gũi, thân thuộc hơn hình ảnh cánh cò trên đồng lúa quê hương. Thân cò gầy guộc, quanh năm suốt tháng cặm cụi ngoài đồng chẳng khác nào những người nông dân lam lũ, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trong bài ca dao, cái cò khi gặp cô yếm đào duyên dáng đã đưa ra lời ướm: “Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?”. Hai câu mở đầu tình tứ như một bài ca dao giao duyên. Đây cũng là lối đối đáp quen thuộc của ca dao.
Nhưng đối lập hoàn toàn với sự tình tứ, duyên dáng của hai câu thơ đầu, bốn câu thơ cuối lại tái hiện một hình ảnh chú tôi hết sức hài hước: chú tôi hay (biết) mọi điều, nhưng đó là tửu, là tăm, là nước chè đặc, là nằm ngủ chưa. Những ước ao của người chú cũng thật trái đời: ước trời mưa để không phải đi làm, ước đêm có thêm một canh nữa để được ngủ thêm. Như vậy, người chú hiện lên là một kẻ nghiện chè, nghiện rượu, lười nhác, chẳng có điều gì tốt đẹp.
Bài ca dao tưởng như một lời ướm duyên, thực chất là mượn đó làm cái cớ phê phán những kẻ vô tích sự, lười biếng, chỉ thích hưởng thụ. Với người lao động, không có kẻ nào đáng ghét, đáng chê hơn kẻ lười lao động. Cách phê phán khá là kín đáo, ấy vậy mà sự châm biếm lại càng trở nên sâu cay. Cái cười châm biếm, sâu cay toát lên từ hình ảnh người chú, từ sự mâu thuẫn: muốn cô gái lấy chú mình mà lại chỉ kể ra những thói xấu của chú mình.
Trong ca dao, không khó để bắt gặp những bài ca dao phê phán những kẻ lười lao động, thích hưởng thụ như thế:
Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng cố gánh lấy hai hạt vừng
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo vác bụng đi xem
2. Bài ca dao số 2
Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai
Bài ca dao là lời phán của thầy bói – một nghề khá thịnh hành trong xã hội xưa. Dân gian coi đây là nghề mê tín, dị đoan, nên có khá nhiều bài ca dao phê phán thầy bói.

Nội dung lời phán của thầy độc đáo, hài hước ở chỗ: thầy phán những điều hệ trọng cho cô gái (số giàu hay nghèo, cha mẹ, vợ chồng, con cái) nhưng lại toàn phán nước đôi, là những điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Thấy nói không sai, nhưng không giải quyết được điều gì cho người đi xem bói. Cách nói của thầy là cách nói ba hoa, cách nói: chẳng… thì đã khiến cho người nghe phải bật cười.
Thực tế có thể không có thầy bói nào phán như thế. Nhưng chính nhờ cách nói phóng đại, tiếng cười châm biếm càng sâu sắc, ấn tượng hơn.
Bài ca dao không chỉ phê phán nghề thầy bói mà còn châm biếm thói mê tín, dị đoan của nhân dân. Ta có thể thấy rất nhiều bài ca dao có nội dung tương tự trong kho tàng ca dao dân gian:
Thầy cúng ngồi cạnh giường thờ
Mồm thì lẩm bẩm tay sờ đĩa xôi
Tử vi xem số cho người
Số thầy thì để cho ruồi nó bâu
Nhất hào, nhì hào, tam hào…
Chó chạy bờ rào… Quẻ này có động!
Nhà này có quái trong nhà,
Có con chó mục cắn ra đằng mồm.
Nhà bà có con chó đen,
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Nhà bà có cái cối xay,
Bốn chân xuống đất, ngõng ngay lên trời…
Nguồn – Tư liệu Ngữ văn THCS