Tư liệu Ngữ văn THCS xin gửi tặng thầy cô và các em một số đoạn văn nghị luận xã hội Văn 9 mẫu. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các thầy cô và các em trong quá trình ôn tập dạng văn nghị luận xã hội của lớp 9 và phục vụ tốt cho việc ôn thi vào 10.
ĐOẠN VĂN MẪU NGHỊ LUẬN XÃ HỘI Văn 9 ÔN THI VÀO 10
Đề 1: Trong đoạn văn trích “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, nhân vật tự nhận xét mình rằng “chẳng qua tôi điệu thế thôi”. Em hiểu thế nào về cái điệu của nhân vật? Từ cách hiểu đó cùng với kiến thức xã hội, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về cái điệu của các bạn gái trẻ hiện nay?

Bài làm nghị luận xã hội:
Trong một đoạn trích của tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê), nhân vật Phương Định tự nhận xét về mình rằng “chẳng qua tôi điệu thế thôi”. Cái điệu ở đây được hiểu là sự kiêu hãnh, kín đáo, tế nhị, làm duyên làm dáng của người con gái trong cách đối nhân xử thế hàng ngày. Cái điệu của Phương Định khiến ta nghĩ đến cái điệu của các bạn gái trẻ hiện nay. Theo quan niệm chung của nhiều người thì điệu có nghĩa là làm duyên làm dáng, quan tâm chăm chút về mặt hình thức, đi đứng, nói năng. Đây là một nhu cầu tất yếu của nhiều bạn gái, nhất là các bạn gái trẻ đang ở độ tuổi dần trưởng thành muốn thể hiện bản thân và thích làm điệu làm đẹp. Biết điệu nghĩa là biết ý thức cao về bản thân, biết giữ hình ảnh đẹp cho chính mình. Vì thế các bạn gái thường chăm lo, chỉn chu về hình thức với trang phục, đầu tóc gọn gàng hợp thời, hợp mốt, hợp môi trường khi đến trường, ra đường, hay ở những nơi công cộng. Không những quan tâm về hình thức trong cách cư xử, bạn gái biết điệu là những bạn biết giữ lời ăn tiếng nói đúng mực, kính trên, nhường dưới, thưa gửi trước sau, chào hỏi lễ phép, tránh buông tuồng, xuồng xã trong giao tiếp nhất là với những bạn khác giới. Những bạn gái “điệu” như vậy sẽ lại thường tạo ra sự hài hòa, nhẹ nhàng trong giao tiếp; gây được thiện cảm với người xung quanh trong quá trình tiếp xúc lâu dài. Tuy nhiên trong thực tế cũng có không ít những bạn gái “điệu” quá mức, quá chăm chút về hình thức dẫn tới a dua, đua đòi theo trào lưu, ăn mặc phản cảm, hoặc trang điểm không phù hợp với lứa tuổi; có cách cư xử kênh kiệu, kệch cỡm với mọi người, không phù hợp với môi trường xung quanh. Vì quá mải mê điệu đà về hình thức mà không chú ý hoàn thiện tâm hồn, cách đối nhân xử thế, chểnh mảng trong học hành khiến cha mẹ buồn rầu, thầy cô lo lắng và bạn bè xa lánh. Vì thế, mỗi chúng ta đang trong độ tuổi học sinh, là nữ sinh hay có bạn là nữ sinh cũng cần cố gắng học tập và rèn luyện, chăm lo cả hình thức và tâm hồn, tính cách để ảnh hưởng tốt đến mọi người xung quanh. Đến lúc ấy cái điệu của các bạn gái trẻ sẽ là lối sống “đẹp người, đẹp nết” tạo ra nét đẹp thanh lịch của nữ sinh.
Đề 2. Đất nước, con người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình. Vinh dự hơn, Hà Nội đã được UNESSCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999). Bằng hiểu biết thực tế của bản thân, hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi bày tỏ suy nghĩ của em về nhiệm vụ của người học sinh trong việc góp phần xây dựng một thủ đô vì hòa bình.
Bài làm:
Đất nước, con người Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình. Vinh dự hơn, Hà Nội đã được UNESSCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999), học sinh Hà Nội – những chủ nhân tương lai của thủ đô cần ý thức được nhiệm vụ góp phần xây dựng một thủ đô vì hòa bình. Hòa bình là trạng thái không có xung đột, chiến tranh, mọi người sống trong môi trường thân thiện. Thực tế có thể thấy, suốt hai thập kỉ qua, Hà Nội đã khắc phục được hậu quả của chiến tranh, vươn lên mạnh mẽ để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Đặc biệt Hà Nội là một thủ đô xanh, sạch, đẹp với những chính sách hướng đến sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hơn nữa thủ đô của chúng ta đã và đang trở thành không gian sáng tạo, yêu chuộng hòa bình, phát triển năng động mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, truyền thống, con người cởi mở, hiếu khách, thân thiện, môi trường an toàn và chào đón bạn bè quốc tế. Vì thế, mỗi người dân trong đó học sinh cần có những suy nghĩ và hành động tích cực để giữ gìn và phát huy những điều đó. Trong độ tuổi tiếp thu và nắm giữ chìa khóa tri thức, học sinh chúng ta không chỉ tự hào về mảnh đất địa linh ngàn năm văn hiến, mà còn cần trang bị cho mình những kiến thức về lịch sử và truyền thống văn hóa đáng tự hào để thêm yêu, thêm quý thủ đô. Tham gia tuyên truyền, quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế mỗi khi có cơ hội. Là chủ nhân trong tương lai của thủ đô, chúng ta cần xây dựng cho mình những phẩm chất tốt đẹp, lối sống hiện đại văn minh, đoàn kết thân ái với bạn bè và những người xung quanh. Khi có điều kiện tiếp xúc với du khách nước ngoài giữ thái độ thân thiện, mến khách, cởi mở giúp đỡ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người người tham quan. Cần phê phán những người không có ý thức trách nhiệm với công việc giữ cho thủ đô xanh, sạch, đẹp. Như vậy cố gắng không ngừng trong học tập rèn luyện đạo đức, lối sống, kĩ năng sống chính là cách mỗi học sinh thủ đô góp phần xây dựng một thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn hiến.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Đề 3. Bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) có ý nghĩa thức tỉnh lối sống ân nghĩa trong mỗi người chúng ta. Em hãy viết đoạn tổng – phân – hợp, 2/3 trang giấy thi, bày tỏ suy nghĩ của mình về thế hệ cha ông – những người đã làm nên lịch sử, đã hi sinh cuộc đời mình cho quê hương đất nước.

Bài làm:
Bài thơ “Ánh trăng” (Nguyễn Duy) với ý nghĩa thức tỉnh lối sống ân nghĩa trong mỗi người chúng ta đã gợi cho chúng ta nhớ về thế hệ cha ông – những người đã làm nên lịch sử, đã hi sinh cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Thế hệ cha ông là tập thể quần chúng nhân dân, những người đi trước, là tổ tiên của chúng ta từ đời nay qua đời khác. Đó là thế hệ đã tạo ra các giá trị vật chất và truyền thống văn hóa tinh thần, tập quán phong tục, văn hiến cho các thế hệ sau kế thừa. Nói cách khác, từ thuở khai thiên lập địa cha ông ta đã thành lập, xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước. Lịch sử 4000 năm của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bờ cõi nước nhà liên tục bị ngoại bang nhòm ngó và xâm phạm. Trong cuộc trường chinh vạn dặm bảo vệ bờ cõi, cha ông ta đã đổi bao máu xương. Hành trình viết tên Việt Nam lên bản đồ thế giới là hành trình của mồ hôi, công sức, nước mắt, nhiệt huyết và biết bao nhọc nhằn lam lũ của người dân Việt Nam qua hàng ngàn thế hệ. Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió vẫn vững vàng qua bao cuộc bể dâu bởi
“Cha ông ta đâu bố trí những binh đoàn
Trên vai đỉnh Trường Sơn, dọc bờ Đông Hải
Tên tổ quốc vang vang ngoài bờ cõi
Ta đội triệu tấn bom để hái mặt trời hồng”
Cha ông ta là những người “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng họ đã làm nên đất nước bằng cách hi sinh, hóa thân cuộc đời mình vào hình sông dáng núi, viết lên lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Ý thức được những hi sinh của cha ông trong quá khứ, mỗi chúng ta cần thức tỉnh lối sống ân nghĩa, thủy chung, biết ơn quá khứ, biết ơn những người đi trước. Trong thực tế các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ngày kỉ niệm thương binh liệt sĩ, phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng,… là cách thế hệ đi sau đã và đang thể hiện và nhắc nhở con cháu lòng biết ơn với tổ tiên. Tuy nhiên, vẫn có một số ít những người sống thờ ơ, ích kỉ, quay lưng với quá khứ, với dân tộc. Ý thức được lối sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ là một biểu hiện của lòng yêu nước, một cách thiết thực nhất với học sinh, thế hệ trẻ là cần cố gắng học tập và rèn luyện để hiểu biết về lịch sử dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, trở thành người có ích, góp phần xây dựng đất nước, sống xứng đáng với những gì đã cho và nhận
Nguồn Sưu tầm.
Xem thêm:
- 52 đề nghị luận xã hội ôn thi vào 10
- Tổng hợp dẫn chứng tiêu biểu cho các bài nghị luận xã hội
- Bộ đề nghị luận xã hội thi học sinh giỏi Văn 9
- Tuyển chọn đề nghị luận xã hội các tỉnh năm 2018
- Luyện thi vào lớp 10 chuyên đề nghị luận xã hội