Văn bản nhật dụng là một kiểu văn bản được dạy xuyên suốt trong chương trình Ngữ văn THCS. Nghe cái tên đã hiểu mục đích của kiểu văn bản này. Ấy thế mà việc giảng dạy trong nhà trường hiện nay vẫn bám quá nhiều vào văn bản trong sách giáo khoa, chưa có sự liên hệ, bám sát thực tế. Hơn nữa, những bài học được thầy cô “giảng đạo” lại chả ngấm vào học sinh được bao nhiêu.
Để khắc phục tình trạng này, Tư liệu Ngữ văn THCS xin gợi ý các thầy cô hướng giảng dạy các văn bản này theo hướng chủ đề. Theo đó, các văn bản: Thông tin về ngày Trái Đất; Ôn dịch, thuốc lá; Bài toán dân số sẽ được ghép lại và dạy liền với nhau. Bằng các phương :pháp dạy học tích cực, chủ đề này được triển khai với mong muốn học sinh có nhiều thời gian để tự tìm hiểu vấn đề, làm các sản phẩm.
Các bước chính của bài học được tiến hành như sau:
Hoạt động 1: Giới thiệu chủ đề
Tùy khả năng sáng tạo của giáo viên mà có cách mở bài hấp dẫn. Giáo viên có thể chiếu các hình ảnh: ô nhiễm môi trường, vứt rác bừa bãi, vượt đèn đỏ… Cũng có thể chiếu các hình ảnh để hs nhắc lại các văn bản nhật dụng mà hs đã học trong chương trình Văn 6,7. Cũng có thể triển khai thành ô chữ, crossword…
Hoạt động 2: Nhắc lại khái niệm văn bản nhật dụng, cho hs đọc nhanh các văn bản và lí giải vì sao 3 văn bản này lại được xếp vào văn bản nhật dụng.
Giáo viên có thể dành cho hs 2 phút đọc toàn bộ những thông tin chung về 3 văn bản và có trò chơi hỏi đáp nhanh: tác giả, hoàn cảnh sáng tác…
Hoạt động 3: Hoạt động nhóm
GV chia lớp thành các nhóm để thực hiện nhiệm vụ. Lưu ý với lớp đông, có thể chia thành nhiều nhóm chung nhiệm vụ (ví dụ 6 nhóm – 3 nhiệm vụ). Vì mục đích cuối cùng của văn bản nhật dụng là hs được thức tỉnh trước những vấn đề bức thiết (mà vấn đề dân số hiện nay không còn bức thiết nữa) nên giáo viên có thể cho thêm những vấn đề ngoài văn bản: văn hóa ứng xử nơi công cộng, nghiện game, bạo lực học đường… Nói chung là các thầy cô nên thực sự linh hoạt.
Bản thân mình khi triển khai chủ đề này chia lớp thành 5 nhóm:
– Nhóm 1: Tìm hiểu về vấn đề sử dụng bao bì nilon.
– Nhóm 2: Tìm hiểu về tác hại của thuốc lá.
– Nhóm 3: Tìm hiểu về vấn đề dân số hiện nay (bổ sung phần mất cân bằng giới tính, nhiều gia đình trẻ không thích sinh con; sinh con khi chưa được trang bị hiểu biết đầy đủ…)
– Nhóm 4: Tìm hiểu về văn hóa ứng xử nơi công cộng (nói tục, chen lấn khi xếp hàng, vượt đèn đỏ, ăn mặc phản cảm…).
– Nhóm 5: Tìm hiểu về vấn đề thực phẩm bẩn.
Để thực hiện nhiệm vụ này, hs chỉ dựa một phần vào văn bản. Ngoài ra phải thêm những hiểu biết của mình. Giáo viên có thể trang bị thêm máy tính để các nhóm tìm thông tin.
Thời gian làm việc nhóm: 30 phút (linh hoạt tùy theo đối tượng học sinh).
Yêu cầu sản phẩm:
– 1 sơ đồ tư duy tìm hiểu về vấn đề: thực trạng, tác hại / lợi ích, nguyên nhân, giải pháp…
– 1 tranh cổ động kêu gọi hành động, có slogan.
Để tối ưu hóa hoạt động nhóm, gv cần có đồng hồ chiếu trên slide; có bảng phân công nhiệm vụ / đánh giá hoạt động nhóm để hs tự đánh giá.
Hoạt động 4: Các nhóm lên thuyết trình / Chốt kiến thức
Khi các nhóm thuyết trình, giáo viên có thể phát phiếu nghe, thu sản phẩm để tránh hs mất tập trung.
Với nhóm hs giỏi, gv có thể để hs thuyết trình hết rồi mới chốt. Với nhóm hs khả năng tập trung chưa cao, gv nên chốt sau mỗi nhóm (chốt bằng sơ đồ tư duy, sơ đồ ý cho nhanh – đồng thời chỉ ra rõ đâu là những ý có trong văn bản; đâu là ý đã được nhóm mở rộng, bổ sung).
Hoạt động 5: Rung chuông vàng
GV đưa những câu hỏi ngắn để hs hệ thống lại kiến thức, nhớ những số liệu trong văn bản.
Giao bài tập về nhà: Áp dụng bài học thu nhận ngày hôm nay vào cuộc sống, báo cáo thành quả trong buổi học tiếp theo (ví dụ: gia đình em đã hạn chế sử dụng túi nilon chưa? em có thuyết phục được ai trong gia đình bỏ thuốc lá không?)
Trên đây là ý tưởng xây dựng chủ đề. Chúc các thầy cô có những tiết học hấp dẫn và ý nghĩa.